Hướng dẫn xử lý nguồn nước đảm bảo vệ sinh sau bão lũ

Cập nhật: 9/9/2021 | 3:00:24 PM

Khi có lũ lụt xảy ra, nước ngập tràn khắp nơi, cuốn trôi tất cả mọi thứ ô uế có trên mặt đất như chất thải từ cống rãnh, xác súc vật, phân chuồng gia súc, gia cầm, các loại côn trùng, cây cối gãy đổ... làm nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vậy người dân địa phương phải làm thế nào?

Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, do tác động của hiện tượng La Nina, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã có 13 cơn bão liên tiếp đổ vào nước ta, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: bão, mưa lớn, mưa đá, dông lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… chủ yếu ảnh hưởng đến nhiều tỉnh trong đó có các tỉnh miền Trung và đã gây tổn thất rất lớn về sinh mạng, tài sản và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dân.

Trong khi bão lụt nước có thể ngập tràn, cuốn trôi theo mọi thứ gây ô nhiễm có trên mặt đất như: chất thải từ cống rãnh, nhà tiêu, xác súc vật, chuồng gia súc, gia cầm, hóa chất, cây cối… làm nước và môi trường bị ô nhiễm. Vì vậy ngay khi nước rút, cần thực hiện các biện pháp xử lý nước và môi trường để tránh ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thực hiện nguyên tắc “nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”. Ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để vận động, hướng dẫn nhân dân dọn vệ sinh kết hợp với xử lý nước và vệ sinh môi trường.

Xử lý nước uống

Báo Công thương chỉ rõ quy trình xử lý nước uống bao gồm 4 bước cơ bản: Làm trong – khử trùng – đun sôi - sử dụng.

Trước hết, bà con cần sử dụng phèn chua để lọc nước, tỷ lệ 1gram phèn chua – 20 lít nước.

Hoà tan lượng phèn vào nước sau đó đổ vào chum, vại, lu hay thùng nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

Nếu nước nhiễm khuẩn trên quy mô lớn, các địa phương cần có trách nhiệm khử trùng nước bằng Cloramin B. 1 viên Cloramin B hàm lượng 0,25g khử trùng được 25 lít nước.

Hoà tan lượng hoá chất cần thiết cho lượng nước cần khử trùng vào một gáo nước rồi đổ vào bể/thùng chứa, trộn đều. Sau đó, múc nước dội lên thành bể chứa để khử trùng. Nước sau khử trùng 30 phút là sử dụng được. Khi sử dụng phèn chua thì không sử dụng clo và ngược lại.

1. Xử lý các giếng nước để ăn, uống và sinh hoạt


- Giếng khơi: Dù đã dùng nilông và nắp bịt kín miệng giếng, nước trong giếng vẫn bị ô nhiễm rất nặng vì nắp và nilông chỉ ngăn rác, cặn vào giếng chứ không ngăn được nước bẩn vào giếng. Quá trình xử lý nước được tiến hành theo 3 bước sau đây:

Bước 1. Thau rửa giếng nước.

- Khơi thông tất cả các vũng nước xung quanh khu vực giếng.

- Tháo bỏ nắp và nilông bịt giếng.

- Trước khi làm trong và khử trùng phải tiến hành thau vét giếng, Dùng nước giếng dội lên thành cho trôi hết đất cát và rác bám trên thành giếng và sàn giếng.

 Nếu giếng ngập, lụt nước đục:

Phải tiến hành thau vét giếng. Múc cạn nước và vét hết bùn cặn. Các vùng có điện hoặc máy nổ thì dung máy bơm điện hút cạn nước rồi thau vét giếng. Trong trường hợp không thể thau vét được thì nên chọn một giếng khác để xử lý và dùng chung. Nếu tất cả các giếng trong khu vực không thể thau vét được thì có thể áp dụng biện pháp xử lý tạm thời: múc vài chục lít lên làm bể chứa rồi đánh phèn và khử trùng, dùng hết làm mẻ khác, chờ vài ngày sau múc nước giếng xuống thấp tiến hành thau rửa.

Trường hợp không có phèn chua để làm trong nước: làm một bể lọc cát tạm thời bằng thùng, xô hay vại thể tích khoảng 20-30 lít. Đục 1 lỗ đường kính 1cm trên thành cách đáy thùng 5cm, cho một ít gạch vỡ lót ở đáy, đặt một mảnh bao tải gai lên trên rồi đổ cát dày khoảng 25-30cm. Đổ nước giếng vào cho đến khi nước chảy ra trong thì lấy để khử trùng.

Nếu giếng bị ngập nhưng nước lụt không tràn vào trong giếng và nước giếng trong:

Vẫn phải khử trùng trước khi sử dụng. Nếu điều kiện cho phép thì múc cạn và thau rửa, nếu không thì có thể tiến hành khử trùng ngay nước trong giếng để sử dụng.

Chú ý: 

- Các giếng đã bị ngập lụt thì nhất thiết phải thau rửa và khử trùng mới được sử dụng.

- Khi có hàng loạt các giếng bị ngập, lụt nhu cầu cấp nước lớn mà không đủ lực lượng xử lý nước thì ở mỗi cụm dân cư chọn một vài giếng ít bị ô nhiễm xử lý trước để lấy nước dùng ngay.

- Trung tâm kiểm soát bệnh tật của các tỉnh thường xảy ra bão lụt cần chuẩn bị một máy phát điện nhỏ và một máy bơm nước để có thể mang đi xử lý một số giếng nước cho các cụm dân cư trong trường hợp cần thiết.

Bước 2. Làm trong nước giếng


Dùng phèn chua (loại thường dùng làm phèn nhôm) với liều lượng 50g/1m. Hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào một gầu nước, tưới đều lên giếng nước, thả gầu chìm sâu xuống nước rồi kéo mạnh lên khoảng 10 lần rồi để 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử trùng.

  • Quảng cáo trái 2
  • Quảng cáo trái 3
  • Quảng cáo trái 4
Thiết kế 2020 © Tập đoàn máy lọc nước Pretech