Ô nhiễm trầm trọng nguồn nước sinh hoạt ở TP Sơn La

Cập nhật: 10/1/2018 | 3:05:21 PM

NDĐT - Vào 4 giờ chiều 4-11, Công ty CP cấp nước Sơn La đã buộc phải dừng hoạt động cấp nước sinh hoạt cho người dân ở thành phố Sơn La vì nguồn nước bị ô nhiễm.

Câu chuyện nước sinh hoạt ở thành phố Sơn La bị ô nhiễm do chế biến cà phê năm nào cũng xảy ra. Nhưng năm nay, mức độ ô nhiễm trầm trọng hơn, thời gian ngừng cấp nước kéo dài đang đẩy cuộc sống của 12 nghìn hộ dân sinh sống trên địa bàn thành phố rơi vào tình cảnh khó khăn…

Quanh chuyện thiếu nước

Trước khi ngừng cấp nước sinh hoạt, Công ty CP cấp nước Sơn La đã thông báo vào điện thoại của khách hàng: “Do ô nhiễm nguồn nước thải sơ chế cà phê tại đầu nguồn, Nhà máy chưa thể xử lý cấp nước được, thời gian có thể kéo dài 2 - 3 ngày. Mong quý khách hàng thông cảm”. Thế nhưng đến hôm nay, sau 72 tiếng đồng hồ, phần lớn khách hàng sử dụng nước sinh hoạt do Công ty cung cấp vẫn chưa được cấp nước trở lại.

Theo Phó Giám đốc Công ty CP cấp nước Sơn La Lương Thế Công, việc xử lý đang gặp rất nhiều khó khăn vì lần này ô nhiễm rất nặng, có thể phải kéo dài nhiều ngày hơn so dự kiến. Ông Công cho biết thêm, Công ty đang tập trung xử lý hệ thống đẩy ngược nước từ khu vực khác về để cấp tạm, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, đáp ứng được phần nhỏ cho những hộ ở khu vực thấp, còn những hộ ở vị trí có độ chênh cao thì nước không tới được.

Tình trạng không có nước sinh hoạt đang gây khó khăn cho người dân ở thành phố Sơn La. Sau bốn ngày chưa được cấp nước, nhiều hộ gia đình đã không còn nước sinh hoạt, đang phải đôn đáo tìm xin nước, mua nước. Cũng vì lo thiếu nước sinh hoạt, ông Nguyễn Văn Khi, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã nghỉ hưu, đang sinh sống tại tổ 8, phường Quyết Thắng trèo lên kiểm tra bể nước đã bị ngã, chấn thương đầu gối đang phải nằm điều trị.

Câu chuyện thiếu nước sinh hoạt ở thành phố Sơn La đang trở thành đề tài bàn luận sôi nổi của người dân. Một số người dân bức xúc gọi điện mắng chửi cán bộ, công nhân nhà máy nước, gây tình hình an ninh xã hội phức tạp. Những ngày này, dạo quanh thành phố dễ dàng bắt gặp cảnh xe máy, ô-tô chở can nhựa, téc đủ loại đi lấy nước…

Theo người dân, chúng tôi đến mó nước tự nhiên ở khu vực Ngân hàng Nông nghiệp, nằm trên đường Chu Văn Thịnh, thuộc tổ 1, phường Tô Hiệu. Mó nước chỉ rộng chừng hai chục m2, gần như suốt ngày đêm lúc nào cũng đông kín cảnh người dân chen lấn tắm giặt, lấy nước. Trong cảnh hỗn độn ấy, một số hộ sinh sống ở khu vực mó nước tranh thủ mắc vòi, bơm nước bán với giá năm nghìn đồng/can nhựa 20 lít.

Khác với những hộ dân tranh thủ bán nước kiếm lời, gia đình anh chị Nguyệt Điền, trú tại số nhà 14, đường Chu Văn Thịnh lại bơm nước miễn phí cho người dân. Nước được bơm từ một mó ra, một bên bán, một bên miễn phí nên đã xảy ra xích mích, to tiếng phải nhờ chính quyền giải quyết.

Trò chuyện với cháu Nguyễn Thu Huyền, con anh chị Nguyệt Điền đang bơm nước cho người dân, được biết, để cấp nước miễn phí cho người dân thành phố, gia đình đã phải bỏ ra gần 10 triệu đồng mua máy bơm, đường ống nước. Vì máy bơm công suất thấp, hoạt động liên tục bị cháy nên gia đình lại phải mua máy bơm mới. Tấm lòng thơm thảo và việc làm ý nghĩa của gia đình anh chị Nguyệt Điền đã được chính quyền và bà con nhân dân tấm tắc khen ngợi.

Câu chuyện buồn, vui vì thiếu nước sinh hoạt không dừng ở đó. Để bảo đảm vệ sinh nguồn nước, Công ty CP cấp nước Sơn La đã phải xả thải nước ô nhiễm từ hang nước Thẳm Tát Tong ra khu vực suối bản Bó. Bà con nhân dân sinh sống dọc suối phường Chiềng An, Chiềng Xôm cũng phải chịu mùi hôi thối, ô nhiễm nước, không khí.

Việc chế biến cà phê gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ở thành phố Sơn La đã diễn ra nhiều năm, nhưng lần này phức tạp hơn. Nguyên nhân đã được phát hiện, nhưng chỉ khi nguồn nước bị ô nhiễm, câu chuyện mới nóng lên và do tỉnh Sơn La chưa có phương án giải quyết triệt để nên dẫn tới tình trạng như hiện nay.

Cần giải pháp triệt để

Trước tình hình trên, sáng 7-11, Thường trực Tỉnh ủy Sơn La đã họp khẩn, tập trung chỉ đạo giải quyết tình trạng ô nhiễm nước sinh hoạt.

Theo báo cáo của Công ty CP cấp nước Sơn La, từ năm 2012 đến nay, năm nào vào vụ chế biến cà phê, nguồn nước của thành phố Sơn La đều bị ô nhiễm. Theo số liệu tổng hợp, năm 2015 bị ô nhiễm 20 lần, phải ngừng cấp nước 151 giờ; Năm 2016 ô nhiễm 12 lần, ngừng cấp nước 86 giờ. Năm nay, mới vào đầu vụ chế biến cà phê đã 17 lần ô nhiễm, ngừng cấp nước 124 giờ. Ô nhiễm nặng nhất diễn ra trong các ngày đầu tháng 11 cho đến nay.

Xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn tỉnh Sơn La đã tiến hành kiểm tra vực nguồn nước tại xã Muổi Nọi (huyện Thuận Châu), xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ (thành phố Sơn La) phát hiện tám cơ sở chế biến cà phê và hơn 30 hộ dân đổ nước thải ra môi trường.

Theo phản ánh của người dân, một số sơ sở chế biến cà phê lớn tại huyện Thuận Châu lợi dụng đêm tối dùng xe téc xả trộm nước thải ra đầu nguồn nước của thành phố Sơn La. Nếu năm 2102, khu vực này mới có hai cơ sở chế biến cà phê thì nay đã tăng lên tám cơ sở cùng nhiều hộ dân tham gia sơ chế cà phê. Diện tích và sản lượng cà phê những năm gần đây ở khu vực này tăng nhanh, việc mở rộng chế biến là nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Tình trạng vi phạm xả thải chế biến cà phê đã được Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Sơn La phát hiện, xử lý. Nhưng mức độ xử phạt hành chính theo quy định thấp, công tác phát hiện vi phạm gặp khó khăn nên tình trạng vi phạm gây ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê năm này qua năm khác vẫn tiếp diễn. Các cơ quan quản lý về môi trường tỉnh Sơn La và huyện Thuận Châu đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, nhưng tình hình vẫn không chuyển biến. Đến nay, hầu hết các cơ sở chế biến cà phê tại khu vực đầu nguồn nước của thành phố Sơn La hoạt động chưa đầy đủ thủ tục giấy tờ và đều chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Một trong các giải pháp tỉnh Sơn La đưa ra để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt do mưa lũ và ô nhiễm nguồn nước là làm hồ chứa nước dự trữ. Tại thông báo số 271-TB/TU ngày 18-3-2017, Tỉnh ủy Sơn La đã đồng ý chủ trương cho phép Công ty CP cấp nước Sơn La xây dựng hồ chứa nước thô diện tích 5.300 m2 dự phòng cho nhà máy nước Chiềng An. Tuy nhiên đến nay, công tác thu hồi, bàn giao đất, hồ nước cho Công ty vẫn còn vướng mắc, chậm tiến hành…

Theo ý kiến một số người có trách nhiệm, để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt thì không có giải pháp nào khác ngoài phải xử lý nguồn nước thải do chế biến cà phê. Việc các cơ sở chế biến cà phê ở Sơn La chưa tuân thủ quy định xử lý nước thải vì chi phí đầu tư xử lý môi trường rất cao. Trong khi đó, công tác quy hoạch cấp phép đầu tư, quản lý sản xuất, chế biến cà phê của tỉnh còn lỏng lẻo, chưa có biện pháp răn đe, xử lý nghiêm đối với cơ sở chế biến vi phạm.

Trong một số cuộc họp, có ý kiến bao biện, rằng nếu xử lý mạnh cơ sở chế biến cà phê sẽ ảnh hưởng đến đời sống thu nhập của người dân trồng cà phê. Phải chăng, những người nêu ý kiến đó không quan tâm vấn đề vệ sinh môi trường, sức khỏe, đời sống sinh hoạt của 60 nghìn người dân đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt ở thành phố Sơn La?

Trước mắt, tỉnh Sơn La cần nhanh chóng kiểm tra, xử lý ngăn chặn ngay tình trạng các cơ sở chế biến cà phê xả thải ra môi trường. Công ty CP cấp nước Sơn La tập trung giải quyết xử lý nguồn nước ô nhiễm, bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt đúng quy định, sớm giải quyết cấp nước trở lại cho người dân.

Về lâu dài, tỉnh Sơn La nên tính đến phương án quy hoạch, mời gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê tiên tiến, có thiết bị xử lý nước thải. Khi xây dựng nhà máy phải tìm hiểu công nghệ và cam kết vấn đề xử lý môi trường, nếu cần thiết, tỉnh có nguồn kinh phí hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.

Tất cả cơ sở chế biến cà phê không bảo đảm quy định về môi trường đều buộc phải đóng cửa. Chỉ có như vậy, bài toán nước sinh hoạt cho thành phố Sơn La và môi trường sinh thái ở Sơn La mới được bảo đảm.

Hotline sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc nước, vật liệu lọc nước: 1900 636 683

  • Quảng cáo trái 2
  • Quảng cáo trái 3
  • Quảng cáo trái 4
Thiết kế 2020 © Tập đoàn máy lọc nước Pretech